Wednesday, October 31, 2007

Tết xưa Tản Đà làm quảng cáo - Thọ Cao

Thời xưa, rượu Phông - ten dựa vào thế thực dân cai trị, bán ở khắp ba kỳ . Chai rượu ấy bán dịp Tết cũng chẳng hơn ngày thường, không có nhãn hiệu, mỗi chai vẫn bán 16 xu, bằng gần một yến gạo thời ấy .
Thế mà rượu Văn Điển của ta dám cạnh tranh với rượu Phông - ten . Tên rượu gọi như thế vì công ty cổ phần đóng ở cạnh ga Văn Điển . Còn nhớ chai rượu Tết được trình bày đẹp, nhãn hiệu bốn màu mang hình một cụ già râu tóc bạc phơ, mặc áo gấm xanh, hai tay xách gần chục chai rượu, dáng đi lảo đảo . Và giám đốc công ty nhờ nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu làm cho bốn câu lục bát in ở dưới :

    Ai về đường ấy thì đi
    Ta về Văn Điển công ty với mình
    Có non, có nước hữu tình
    Có người tri kỷ, có bình rượu ngon


Chai rượu Tết cất toàn bằng gạo nếp, ngon hơn rượu Phông - ten bằng cồn, hình thức trình bày hơn hẳn, vẫn giữ giá 14 xu như ngày thường bán rất chạy .

Lại nhớ vào dịp Tết năm 1933, công ty rượu Văn Điển cạnh tranh mạnh hơn, ai mua một chai rượu cũng được biếu một tấm lịch treo in màu . Điều đáng nói là 365 tờ lịch bóc hàng ngày, tờ nào cũng in ở phía dưới bốn câu lục bát đều nói về rượu Văn Điển, nhưng ý khác nhau, đọc không nhàm chán . Xin trích một vài câu:

    Tờ lịch ngày hội đền Hùng :
    Tháng ba lên hội Đền Hùng
    Dâng chén rượu nồng Văn điển chế ra
    Hơi men pha vị sơn hà
    Hỡi ai nhớ tổ tiên nhà hay không ?

    Tờ lịch ngày 30 Tết :
    Mâm cao, cỗ lớn linh đình
    Không rượu Văn Điển cũng hình như không


Người làm thơ in trên lịch tết của công ty rượu Văn điển cũng là Tản Đà, được "com - măng" làm 365 bài thơ ngay từ đầu năm, tới tháng 7 tháng 8 đến lấy, đem đi in . Không rõ được trả bao nhiêu nhuận bút, chỉ biết tết năm ấy nhà thơ được biếu một két rượu, tha hồ thết đãi bạn bè, lai rai cả mùa xuân .

Chưa hết, Tản Đà lại làm tiếp "Bài hát mừng Bắc Kỳ Nam tửu" quảng cáo cho rượu Văn điển, đăng trên báo Phong hóa ra ngày 21 - 9 - 1934 :
"Ta về ta tắm ao ta, Ao ta tắm mát rượu nhà uống ngon . Nghĩ thôi sông cạn đá mòn, Ai hay quốc túy lại còn có say" .

    Nam nhân, Nam tửu
    Người An Nam nay uống rượu An Nam
    Thật tha hồ cất chén với tri âm
    Bõ nhớ vụng, thương thầm bao những lúc
    Chất gạo có say không nhức óc
    Hơi men cùng nhấp lại mềm môi
    Trải tang thương non nước đầy vơi
    Còn chút đó cuộc đời chưa đáng chán
    rót đầy chén uống chơi cho cạn
    Họ nhà tiên nào những họ Lưu Linh
    Yêu nhau một hớp cũng tình .

Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán (Tết Cả) là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên đán Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông và quan niêm "ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người nông dân cày cấy ở Việt Nam... Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhờ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng ...

Ông Táo hay thần bếp là người mục kích sự làm ăn của mọi nhà. Theo tập tục hàng năm ông Táo phải thu xếp lên trời vào ngày 23 tháng chạp để tâu bày mọi việc dưới trần thế với Ngọc Hoàng. Bởi thế nên, trong ngày này, mọi gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa "ông Táo ". Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón tết.

Cùng với tranh (tranh dân gian, câu đối), hoa quả là yếu tố tinh thần cao quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa Đào, miền Nam có hoa Mai, hoa Đào, hoa Mai tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình người Việt Nam. Ngoài cành Đào, cành Mai, mấy ngỳa tết người ta còn "chơi" thêm cây Quất chi chít trái vàng mọng, đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...

Tết trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài các thứ bánh trái đều không thể thiếu mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường gồm có nải chuối xanh, quả bưởi, quả cam (hoặc quít), hồng, quất. Còn ở miền Nam, mâm ngũ quả là dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung hoặc một loại trái cây khác. Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc. Ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ... Từ trẻ tới già ai ai cũng biết, sau đây là một vài phong tục đáng được duy trì phát triển.

Tống cự nghênh tân: Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, lau giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng. Con cháu trong nhà từ phút giao thừa trở đi được nhắc nhở không được nghịch nghợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy... anh chị, cha mẹ cũng không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở, chúc nhau những điều tốt lành.

Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi: Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khoẻ, thành đạt hơn năm cũ. Nhiều nhà tự đi hái lộc ở chốn đình chùa, nơi tôn nghiêm về nhà, tự xông nhà hay dặn trước người "nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà. Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay lại đổ tại mình "nặng vía". Chính vì vậy, sáng mùng Một lại ít khách.

Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ. Ông bà cũng chuẩn bị ít tiền để mừng tuổi con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc tết thường là sức khoẻ, phát tài phát lộc, những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau "tai qua nạn khỏi" hay "của đi thay người" nghĩa là trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Nhưng nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.

Phong tục ta ngày Tết việc biếu quà Tết, tỏ ân nghĩa tình cảm, học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ... quà biếu, quà tết không đánh giá theo giá thị trường. Nhưng cũng đừng nên gò bó câu nệ sẽ hạn chế tình cảm: không có quà ngại không đến...

Ở nước ta, vào dịp đầu xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thất tuần, bát tuần, cửu tuần... tính theo tuổi mụ. Ngày Tết ngày Xuân cũng là dịp mọi người đang rảnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui.

Cũng vào dịp đầu Xuân, người có chức tước khai ấn, học trò, sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, người buôn bán mở hàng lấy ngày. Sĩ, Nông, Công, Thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thông, làm ăn suôn sẻ. Sau ngày mùng Một, dù có mải vui tết cũng chọn ngày "Khai nghề", "Làm lấy ngày". Nếu như mùng Một tốt thì chiều mùng Một bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ Hoàng đạo không kể mùng Một là ngày tốt hay xấu. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình một sản phẩm, một dụng cụ gì đó. Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân.

Cờ bạc: Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượu chè nhưng trong dịp tết, nhất là tối 28, 29; gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thì người bố cho phép vui chơi. Tam cúc, cờ gánh, cờ nhảy, cờ tướng, kiệu, chắn, tổ tôm... ai thích trò nào chơi trò ấy. Đến lễ khai hạ, tiễn đưa gia tiên, coi như hết Tết thì xé bộ tam cúc, thu bàn cờ tướng, cất bộ tổ tôm hoặc đốt luôn hoá vàng.

Vì sao có tục kiêng hót rác đổ đi trong ba ngày Tết: Trong "Sưu thần ký" có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thuỷ thần cho một con hầu tên là Như Nguyên, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm, nhân ngày mùng Một Tết, Âu Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Kể từ đó kiêng không hót rác ngày Tết.

Dịch vụ bán hàng tết qua mạng phát triển


Giỏ quà Tết tiêu thụ mạnh
Chuyển quà bằng xe BMW, Zace. Theo một số Cty chuyên bán hàng qua mạng Internet: Trong các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán, giỏ quà Tết được nhiều người đặt mua nhất.

Anh Bạch Hồng Sơn - Giám đốc TCty Alphanam - cho biết: "Mặt hàng giỏ quà trong thời gian giáp Tết tăng đột biến, hầu như ngày nào cũng có hàng chục phiếu đặt hàng qua mạng yêu cầu chuyển giỏ quà Tết.

Để kích "cầu", chúng tôi còn có dịch vụ lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường: Chuyển giỏ quà của khách hàng đặt qua mạng tới tay người nhận bằng xe BMW, Toyota Zace. Chỉ cần mua từ 5 giỏ quà của Cty, người mua sẽ được vận chuyển miễn phí bằng loại ôtô trên. Nếu khách hàng mang quà tới, nhờ Cty chuyển hộ bằng xe BMW thì với mỗi giỏ quà, người tiêu dùng sẽ phải trả 80.000đ".

Hiện nay, đa số người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen mua hàng qua mạng Internet. Đối với họ, mua bán qua mạng rủi ro cao do tâm lý sợ mua phải hàng kém chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng, xem hàng trên mạng và ở ngoài không trùng khớp...

Phương thức thanh toán khi mua hàng trên mạng cũng là "rào cản" đối với người tiêu dùng bởi phải thanh toán qua thẻ, chuyển khoản trong khi đó, tính bảo mật, chính xác không được đảm bảo. Trên thực tế, hầu hết các Cty bán hàng qua mạng đều đang giảm tối đa những thủ tục không cần thiết để việc mua bán trở nên đơn giản hơn.

Anh Đỗ Duy Đức - Trưởng phòng Kinh doanh Cty phát triển công nghệ thời đại mới: "Khi mua hàng qua mạng www.megabuy.com.vn, khách hàng có thể chọn lựa sản phẩm qua mạng, sau đó yêu cầu nhân viên giao hàng mang tới tận nhà, nếu như người tiêu dùng không muốn mua sản phẩm đó, có thể chọn lựa sản phẩm khác.

Hiện Cty chúng tôi vẫn áp dụng hình thức thanh toán sau giao sản phẩm mới nhận tiền của khách hàng. Trong thời gian tới, Cty sẽ đưa vào hoạt động mô hình cho người tiêu dùng được dùng sản phẩm miễn phí trong một tuần".

Cũng theo anh Duy: Mua hàng qua mạng không hề đắt hơn mua trực tiếp tại cửa hàng. Thậm chí, nhiều Cty còn bán rẻ hơn hoặc bằng so với giá thị trường bởi họ không mất tiền thuê cửa hàng, nhập hàng trực tiếp từ nhà sản xuất với giá ưu đãi...

Chợ hoa Tết Hà Nội chuẩn bị đón khách


Ven đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài đoạn gần Khu đô thị Ciputra, đã có kẻ bán người mua khá tấp nập. Người ta dừng ôtô lội xuống cả ruộng để chọn đào quất. Hầu hết những cây quất thế đẹp có đủ quả chín, quả xanh, hoa, lộc đã treo biển đề tên khách đặt.
"Mua trước đắt một chút nhưng được cây ưng ý, đợi đến khi ra chợ chọn chỉ còn toàn hàng ở các tỉnh chuyển về. Hầu hết loại này đều được phun thuốc chỉ mùng 2-3 Tết là quả rụng lả tả", anh Nguyễn Minh Phú, nhà ở phố Tô Hiệu (Cầu Giấy) cho hay lý do lặn lội lên tận Phú Thượng đặt quất.

Tiết trời Hà Nội ấm áp là điều kiện lý tưởng để những mắt đào chưa nứt có điều kiện tách vỏ chuyển thành nụ kịp khoe sắc trong 2 tuần nữa. Nông dân Phú Thượng xuýt xoa, thời tiết như hiện nay cứ kéo dài khoảng một tuần nữa, những hộ trồng đào sẽ thắng lớn.

Tại nhiều cửa hàng trên đường Hoàng Hoa Thám, Cầu Giấy, Quảng Bá đã xuất hiện mai do các thương lái chuyển từ miền Nam ra. Giá mai khá đắt, phổ biến 300.00-400.000 đồng một chậu nhỏ, cây thế. Với những chậu lớn hơn giá lên tới 1,5-3 triệu đồng/cây. Khách chơi mai thường là những gia đình giàu có hoặc người mua để biếu sếp.

Ngoài mai, đào, quất, những chậu cảnh như sung, lộc vừng, mẫu đơn, hải đường, cúc hay cây thế nhỏ giá 50.00-100.000 đồng chậu được tiêu thụ khá mạnh.

Các chủ cửa hàng cho biết, Tết năm nay sẽ xuất hiện nhiều loại hoa lạ, nhất là các loại hoa hồng, ly ly, cẩm chướng Trung Quốc tràn sang. Nhiều thương lái còn đánh tiếng nhập đào Trung Quốc nhuộm màu giá cực rẻ, chỉ bằng một nửa so với đào cùng loại trồng tại VN.

Không khí mua bán tại khu vực chợ hoa Quảng Bá cũng tập nập từ nhiều ngày nay. Toàn bộ diện tích của khu chợ hoa Quảng Bá lộn xộn trước đây đã được thay bằng các cửa hàng, siêu thị hoa chuyên nghiệp nằm sát nhau như Cửa hàng hoa cây cảnh Trường Xuân, Siêu thị hoa Anh Trí, Vườn Hoàng Lan. Theo quan sát của PV, hầu hết hoa ở các cửa hàng, siêu thị này đều là ngoại nhập, đặc biệt là hoa lan. Các cô gái bán hàng tiếp thị: "Trường Xuân nhập hàng ở tận Đài Loan nên cánh hoa to và đẹp hơn hoa nội, thời gian chơi cũng được lâu hơn. Nếu chăm sóc tốt, có thể chơi được hơn 2 tháng".

Từ 20/1, Hà Nội sẽ có 16 chợ hoa mở cửa phục vụ người dân thủ đô, chưa kể các điểm họp tự phát dọc đường. Giới kinh doanh cho hay ngoài hoa cây cảnh trong nước, các thương lái sẽ nhập khá nhiều hàng từ Trung Quốc, Đài Loan về bán.

Tại Trường Xuân, Hoàng Lan rồi Anh Trí hội tụ đủ các loại lan nào lan hồ điệp, lan vũ nữ, địa lan - phần lớn là nhập từ Đài Loan với giá cỡ nào cũng có. Nếu không có năng khiếu cắm, khách có thể chọn ngay những chậu lan đã được các "chuyên gia" của cửa hàng cắm sẵn trong các chậu bằng sứ hoặc bằng gỗ. Cận thận hơn, khách có thể lựa từng cành lan, chọn mua chậu rồi về nhà tự cắm theo ý thích.

Hoa ngoại, đẹp, chơi được lâu cũng đồng nghĩa với giá bán cao ngất ngưởng. Lan hồ điệp là đắt hơn cả, chậu rẻ nhất cũng phải trên 200.000 đồng, đắt có thể lên tới 2 triệu đồng. Có một chậu lan hồ điệp ở trong cửa hàng của Vườn Hoàng Lan có giá bán lên tới 10 triệu đồng. Tuy nhiên trung bình với 500.000-700.000 đồng khách hàng có thể có được chậu lan đẹp. Theo cách lý giải của những người bán hàng thì "đắt xắt ra miếng", màu của lan hồ điệp rất đa dạng, cánh hoa to, dáng hoa cũng đẹp hơn hẳn hoa nội. Theo giới buôn lan, đây là một loại hoa sang trọng và đắt tiền nên thường được chọn mua để làm quà biếu Tết cho người thân, hay sếp. Các loại lan khác như lan vũ nữ hay địa lan giá rẻ hơn một chút, song trung bình cũng phải 200.000-600.000 đồng mới được một chậu ưng ý.

Theo những người bán hàng thì chơi hoa lan cũng phải biết cách. Người nào chưa biết thì có thể xin tư vấn và người bán luôn sẵn lòng hướng dẫn cách chăm sóc tỉ mỉ. "Để lan đẹp, chơi được lâu thì độ ẩm phải được giữ trong khoảng 50-70%. Cho hoa tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vào mùa đông, các mùa khác thì cần nhiệt độ che phủ hơn. Tưới hoa cũng phải khéo, không tưới trực tiếp lên hoa để giữ cho cánh không bị nát. 4-6 ngày tưới 1 lần vào lúc sáng sớm hoặc buổi tối", một nhân viên bán hàng tư vấn.

Nguồn: VnMedia

Giá bia 'nóng' theo Tết

Doanh nghiệp thông báo giá bán cuối năm không có gì thay đổi nhưng các đại lý ở Hà Nội đã đồng loạt tăng giá bán lẻ với vô vàn lý do, nào là thuế tiêu thụ đặc biệt vừa bị điều chỉnh, nào là nhà sản xuất không đủ hàng cung ứng.

Bia lon Sài Gòn hiện tăng 5.000-10.000 đồng/thùng lên 145.000-150.000 đồng, bia chai Hà Nội từ 112.000 đồng lên 120.000-125.000 đồng/thùng. Bia 333 giá 145.000 đồng/thùng, tăng 5.000 đồng so với trước. Bia Heineken lon tăng thêm 7.000 đồng/thùng thay cho mức 234.000 đồng/thùng trước đó. Các đại lý bán lẻ cho là từ nay đến Tết thời tiết nắng ấm nhiều, tiệc tùng lắm, giá bán lẻ có thể tăng tới 20.000 đồng mỗi thùng.

Đại lý đổ lỗi cho thuế tăng. Ảnh: Anh Tuấn.

"Đồ uống là thứ không thể thiếu trong ngày Tết, tốt nhất làm ngay 1-2 két bia về dự trữ chứ để đến 29-30 Tết vừa mua đắt vừa mất công đi vài hàng", bà chủ đại lý Thanh Hương (phố Hàng Buồm) tư vấn.

Tình trạng khan hàng tăng giá cứ đến hẹn lại lên, song 3-4 năm nay nhà sản xuất không có biện pháp nào ngăn chặn hữu hiệu. Ba đại gia chiếm phần lớn thị trường gồm Công ty Bia Sài Gòn (Sabeco), bia Hà Nội (Habeco) và bia Việt Nam (với các nhãn hiệu Tiger, Heineken, Bivina) có tổng sản lượng gần 800 triệu lít/năm. Cả 3 hãng đều tuyên bố sản lượng trong những tháng cuối năm tăng hơn 10% so với Tết Ất Dậu, giá cả không thay đổi. Tuy vậy, đề cập đến chuyện giá cả bị tăng vô tội vạ, họ chỉ cười trừ.

Ông Nguyễn Văn Việt, Tổng giám đốc Habeco khẳng định hiệp hội cũng như Habeco đều không có chủ trương thay đổi chính sách giá. Trên thị trường, giá tăng là do cung cầu mất cân đối vào những ngày lễ Tết. "Đây không phải là chủ trương của hiệp hội, song người tiêu dùng hãy coi là chuyện bình thường", ông Việt nói.

Ngay từ tháng 10, Sabeco cũng tuyên bố không tăng giá bán vào năm 2006, thậm chí, các nhà phân phối còn được công ty cho biết trước kế hoạch bán hàng từng tuần và được thông báo ngay từ đầu tuần để chủ động nguồn hàng, quy trình xuất nhập hàng tại các tổng kho cũng được cải tiến hạn chế tình trạng bia chạy lòng vòng để tăng giá. Theo ông Văn Thanh Liêm, Phó tổng giám đốc Sabeco, lượng hàng vẫn đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 1, công ty bán ra thị trường khoảng 50 triệu lít tăng 10 triệu so với cùng kỳ. Các nhà máy đều chạy 3 ca liên tục, hết công suất đảm bảo hàng cung cấp cho thị trường.

Tuy nhiên trên thực tế, do bia là loại hàng mua đứt bán đoạn, tỷ lệ cược chai két khá cao, từ 30% đến 40% nên nhà sản xuất không thể quản lý được giá khi nhu cầu tăng gấp cả chục lần vào dịp cuối năm.

Các công ty nghiên cứu thị trường tính toán, sản lượng tiêu thụ bia cả nước trong năm ước tính lên đến gần 2 tỷ lít, tập trung chủ yếu vào sản phẩm của 3 nhà sản xuất trên. Do dây chuyền sản xuất tại các nhà máy lớn hầu như luôn ở tình trạng hết công suất, nên dù biết nhu cầu Tết rất cao họ cũng bó tay.

Bà chủ một đại lý tầm cỡ ở mặt phố Hàng Buồm cho hay, trước Tết 2-3 tháng thực sự là cuộc đua của các nhà phân phối lớn. Gia đình bà đầu tư hàng chục tỷ đồng trữ hàng để chờ bán ra. Tiền lãi vay, chi phí để được nhà máy cung cấp số lượng lớn là những lý do các đại lý biện minh cho việc làm giá trong những ngày tháng giáp Tết.

Nhân viên phòng thị trường Nhà máy bia Hà Nội cho biết công ty chỉ quy định đại lý cấp I không được bán giá thấp hơn giá nhà máy xuất cho chứ không có khung giá tối đa, vì vậy tùy theo diễn biến thị trường mà đại lý định giá cả.

Trong khi các doanh nghiệp tuyên bố không tăng giá bán và họ quả quyết chuyện các đại lý "tự ý tăng giá" là do cầu vượt quá cung, các đại lý lại có cách giải thích riêng. Theo họ, bên cạnh cung cầu thị trường, chính sách thuế thay đổi cũng là tác động đáng kể. Từ 1/1, thuế tiêu thụ đối với mặt hàng bia thay đổi. Trong đó đáng chú ý là thuế suất với bia chai và bia lon vẫn giữ như hiện hành là 75%, còn thuế với bia hơi và bia tươi cùng áp dụng mức 30% kể từ 2006 và sẽ nâng lên 40% kể từ 2008. Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh trực tiếp vào người tiêu dùng và khi chính sách thuế thay đổi bất kể theo hướng nào thì giá nhất nhất cũng sẽ ảnh hưởng theo.

Anh An, chủ một đại lý kinh doanh bia và nước giải khát tại đường Tôn Đức Thắng, Hà Nội cho biết, ngay tại thời điểm Bộ Tài chính bàn thảo nên hay không nên thay đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt mới đối với mặt hàng bia, giá đã bắt đầu nhúc nhích. Điều này có thể thấy rất rõ ở mặt hàng bia hơi trong dịp hè.

Một số đại lý khác thì cho rằng, đây là kế hoạch tăng theo quy luật vào những tháng cuối năm. Nhu cầu tăng cao khan hàng thì nâng giá bán. "Tất nhiên, doanh nghiệp niêm yết giá bán cho các đại lý, còn các đại lý sẽ căn cứ vào nhu cầu tiêu dùng để đưa ra giá bán hợp lý", chủ một đại lý phố Hoàng Cầu nói.

Chị cho biết, ngay tại thời điểm các phương tiện thông tin đại chúng thông báo chính sách thuế thay đổi, nhiều đại lý đã "kháo nhau" chuyện bia tăng giá. "Chúng tôi chẳng biết thực hư thế nào, buôn có bạn, bán có phường, các đại lý khác tăng thì chúng tôi tăng nếu người tiêu dùng không chấp nhận chúng tôi hạ", chị nói.

Theo chị, có thời điểm, các hãng thông báo giá bán mới nhưng đại lý không dám tăng vì sợ mất khách. Thậm chí, tại những đợt thấp điểm, các đại lý còn đề xuất áp dụng một số chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng.

Đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung khẳng định, lâu nay, giá cả chịu tác động nhiều bởi cung cầu thị trường. Chính sách thuế chỉ tác động một phần chứ không phải là tất cả.

Theo ông, sửa thuế là việc bắt buộc phải làm trong xu thế hội nhập, VN không còn cách nào khác là phải thực hiện theo. Sửa thuế tiêu thụ đặc biệt lần này về cơ bản không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những ý kiến cho rằng, chính sách thuế thay đổi dẫn đến giá cả tăng chỉ là cái cớ. Theo ông, giống như xe ôtô, bia không phải là mặt hàng do Nhà nước quản lý do vậy, các doanh nghiệp sẽ phải cân đối giá bán theo hướng thị trường chấp nhận được.

Trao đổi với VnExpress, nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận, giá cả do thị trường tự điều tiết, chính sách thuế chỉ là một phần và lần điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt này về cơ bản không ảnh hưởng đến giá cả cũng như hoạt động kinh doanh.

Hồng Anh - Việt Phong

Quà Tết

Tác giả: Trần Thanh Giao


Những ngày giáp Tết Đinh Hợi 2007, ta chạy xe ngoài đường thấy đông đặc những người, những xe, với hoa quả, bánh trái… trong số đó, không ít là những thứ quà thiên hạ đang mang đi biếu xén, mừng Tết… “vào wờ-tô”. Tết “wờ-tô” hình như cũng có khác hơn những Tết trước đây. Khác và giống chỗ nào, ta thử quan sát xem…

Theo tục lệ người Việt Nam thì ngày Tết nguyên đán là ngày Tết to nhất trong một năm, dịp đó, mọi người đều cố làm những việc mà mình ước muốn có được trong năm mới, cho gia đình, bạn bè, người thân… Từ xa xưa, quà Tết đã mang nhiều ý nghĩa và mọi vật dụng vật chất cũng như tinh thần đều có thể dùng làm quà Tết. Có một chuyện chẳng rõ là sự thật hay truyền thuyết: Tết đại phá quân Thanh, Nguyễn Huệ vào Thăng Long trong áo bào sạm mùi thuốc súng đã gửi ngay một cành đào miền Bắc về làm quà cho công chúa Ngọc Hân đang ở phương Nam! Người được giao nhiệm vụ tặng quà phi ngựa trên đường thiên lý, bất kể ngày đêm, đổi ngựa từng trạm, đem cành đào chắc là tuyệt đẹp về Phú Xuân trong niềm vui mừng đón “báo tiệp thì” của cô công chúa đã nhiều năm xa kinh thành yêu dấu! So với phát chuyển nhanh EMS ngày nay chẳng biết cái nào nhanh hơn? Chuyện quà Tết này nói lên nhiều ý nghĩa, có thể viết thành truyện ngắn để đăng báo Tết với nhiếu chủ đề, trong đó, ta có thể lẩy ra chủ đề “văn hóa tặng quà”! Nét chính của văn hóa tặng quà là người tặng hiểu sâu sắc những ước muốn của người nhận để đáp ứng qua một cách thức vừa thân tình vừa quí trọng. Tết “wờ-tô” này, từ Hà Nội, cành đào “báo tiệp tin ra biển lớn” phải chăng đã về khắp miền đất nước, trong đó có mỗi gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh? Và người nhận quà phải chăng đã hiểu hết ý nghĩa và giá trị của món quà đó?

Từ xưa, mỗi khi Tết đến, người Việt Nam thường tặng nhau quà. Hàng xóm láng giềng thân tình thì sau khi thức canh nồi bánh chưng, bánh tét, người ta chọn vài cái đẹp mang sang nhà biếu nhau. Hoặc biếu dưa hấu, bánh mứt tự nhà mình làm. Còn con gà, chai rượu ngoại đắt tiền, hay những thức có giá trị cao khác thì phải là những gia đình có quan hệ mật thiết như sui gia, hoặc thầy trò, hay cháu con biếu người trưởng thượng. Ở Nam bộ, người dân quê thực thà, chất phác có khi tặng nhau chai dầu ăn với ngụ ý chúc cho hàng xóm sang măm mới phát tài (dầu: giàu). Cũng như khi sắp mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, người ta chọn mãng cầu (cầu), quả dừa (vừa), đu đủ (đủ), xoài, với ước mong đơn giản thật dễ thương là cầu vừa đủ xài! Thời buổi thị trường nhiều thứ hàng lạ cũng trở thành quà Tết: bánh hộp thiếc với những hình vẽ cảnh vật nước ngoài sặc sỡ, to mà gọn, lại đẹp; lịch treo tường với phong cảnh hay hoa, hay thiếu nữ xinh đẹp, in giấy láng, màu sắc rực rỡ cũng được ưa chuộng một thời… Đối với trẻ con thì quà Tết lại càng không thể thiếu: nếu ngày xưa một chiếc áo mới là niềm mơ ước cuối năm thì giờ đây phải là áo quần mô-đen mới, những món quà mới như đồ chơi điện tử có thứ có già mấy triệu đồng… Tôi nhớ mãi tuổi ấu thơ của mình khi sáng mồng một mặc quần áo mới đứng khoanh tay trước mặt ông bà cha mẹ chúc Tết và được nhận những đồng tiền lì xì mang đi mua pháo chuột hay chơi bầu cua cá cọp… Pháo chuột nhỏ như que diêm nhưng đốt nổ cũng dòn dã lắm lại không sợ bị tét tay như khi đốt pháo điễn. Còn bầu cua cá cọp là trò chơi lắc xúc xắc với những hình vẽ các con vật tương ứng. Ăn thua chẳng có bao nhiêu mà vui thiệt là vui. Lì xì là một tục lệ hay. Sao lại gọi lì xì? Có người nói nhà văn Sơn Nam bảo đó là âm Quảng Đông của chữ Hán Việt “lợi thị” (cầu cho lợi lộc vào) nhưng nhà nghiên cứu Hán Nôm Cao Tự Thanh cười bảo: “Cái đó tôi nói với ông Sơn Nam”! Lì xì là thứ quà Tết mà trẻ con thời nào cũng mong ước… dù là trước hay sau “wờ-tô”. Vấn đề là liều lượng và ý nghĩa. Đốt pháo cũng vậy. Đó là một tục lệ thiệt hay. Ai mà không ghi đậm trong ký ức, trong tiềm thức nỗi vui sướng khó tả khi lần đầu trong đời nghe pháo Tết. Ký ức đẹp đẽ lạ lùng đó được lưu giữ suốt đời, nhất là cho những ai rời xa đất nước. Tiếc rằng người ta đã đẩy chuyện lì xì đi quá xa, mượn những tục lệ tốt đẹp để làm chuyện khoe của thậm chí là hối lộ, tham nhũng, còn đốt pháo quá mức gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe thậm chí là sinh mạng người khác, gây lãng phí tiền của vô lối đến nỗi đốt pháo đã bị cấm. Đó cũng là một kiểu “vô văn hóa” trong ứng dụng tục lệ Tết của người xưa.

Có “văn hóa tặng quà” thì cũng có “văn hóa nhận quà”. Người được quà Tết thường nhận quà với thái độ vui mừng, trân trọng món quà cũng tức là trân trọng tấm lòng, ước mong của người biếu. Người nhận quà Tết thường cảm ơn ngưởi cho quà bằng một thứ quà Tết khác. Có những món quà làm người nhận rất cảm động và mong muốn đáp lại cho xứng với tấm lòng người cho. Tôi biết một trường hợp thế này: Có một anh ở Sài Gòn ra Hà Nội để đi Trung Quốc. Anh gặp cô em vẫn quen thân qua công tác, hiểu và quí nhau. Cô em bảo cô cũng vừa đi Trung Quốc về, còn dư ít nhân dân tệ, biếu anh sang bên ấy mà dùng. Cô lật sổ tay lấy tiền đưa anh, anh nhìn thấy số tiền không nhỏ, rất cảm động nhưng cũng băn khoăn. Suy nghĩ mãi không biết làm sao, từ chối không tiện mà đổi tiền cho cô thì cũng dở, người ta hồn nhiên và thân quí thế mà… Anh cầm tiền theo và sang đến nơi, anh mua một món quà quí, tương xứng với tấm lòng của cô em, đem về tặng lại. Phải nói là cô em rất cảm động, vừa mừng vì món quà, vừa mừng vì tấm lòng quí mến nhau, nghĩ đến nhau…Thế nhưng trong cuộc sống, không phải lúc nào người ta cũng biết như vậy. Ngày xưa, có một số người giữ địa vị có thể ban phát ân sủng cho người khác thường chờ người mang quà “cống nạp”; hay kênh kiệu, dè bỉu những ai tặng quà không có giá trị cao như mình muốn. Có người khách sáo, bụng thích người đến cho quà nhưng miệng cứ nói lời đẩy đưa, từ chối (vì họ không bao giờ tặng quà đáp lại). Tôi có một người bạn Hà Nội kể rằng ngày bé, khoảng lên mười, cô ấy thường theo mẹ mang quà Tết đi biếu một người trưởng thượng và giàu có trong họ. Vì lễ nghĩa, gia đình cô nghèo nhưng vẫn phải biện đủ chai rượu, con gà sống thiến mang đi. Vị trưởng thượng nọ lần nào cũng “phê bình” mẹ cô “cứ hay bày vẽ” nhưng lần nào cũng mang gà rượu cất vào nhà. Cô tức lắm nên năm đó bàn trước với mẹ… Khi hai mẹ con mang lễ vật tới, vị trưởng thượng vẫn “phê bình”, cô liền nói: “Năm nào ông cũng không muốn nhận quà, bảo mẹ hay bày vẽ, vậy con vâng lời ông, mang gà về mẹ nhé?” Ông trưởng thượng nói mát : “Ừ, cháu mang quà về đi..” Chỉ chờ có vậy, cô bé xách luôn gà về và được anh chị em ở nhà hoan hô! Ngày nay, những người chờ Tết đến để được dịp lấy quà “cống nạp” không phải không còn và giá trị quà “cống nạp” ngày càng lớn, nhiều lúc khó tưởng tượng, vì những mưu cầu đen tối… Tuy nhiên, Tết “wờ-tô” này chắc chắn những người cho và nhận quà kiểu ấy phải giật mình. Vì bao nhiêu kẻ đã vào tù. Vì vận hội, cơ duyên mới đã đến… Nước ta không còn ở vị thế của người phải “cống nạp” như thời xưa. Nhắc lại hình ảnh người phi ngựa mang hoa đào từ Thăng Long vào Phú Xuân, để đối chọi với một hình ảnh “phi ngựa mang quà” khác: Vào thời nước ta lệ thuộc nhà Đường, quả vải Việt Nam là món quà quí, là thứ phải cống nạp để dâng tiến cho… Dương Quí Phi. Dương Quí Phi thèm ăn quả vải Việt Nam, ngồi trên lầu cao trông ngóng… Bao nhiêu người, bao nhiêu ngựa phải ruổi dong suốt chặng đường dài cả chục ngàn cây số, mang vải về cho người đẹp thỏa cơn thèm khát. Lý Bạch đã ghi việc ấy trong mấy câu thơ: “Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu / Vô nhân tri thị lệ chi lai…” (Một vó ngựa cuốn bụi hồng khiến nàng quí phi nở cười / Không ai biết đó là vì quả vải đã về đến nơi). Chuyện “tiến” vải đã gây cho dân ta biết bao đau khổ, và là nguyên cớ để Mai Thúc Loan phất cờ khởi nghĩa thành công. Nhưng tuy đánh thấng quân Thanh, Nguyễn Huệ vẫn cầu phong, vẫn cử người giả mình đi sứ. Để tránh “kiêu ngạo nước nhỏ”… Nay ta cũng phải ngày đêm toan tính, học cha ông mà tránh “kiêu ngạo” vào được “wờ-tô”…

Cho và nhận quà Tết, hoặc cho và nhận quà bất cứ dịp nào trong năm, là một hành vi văn hóa. Vậy nên cần có “văn hóa tặng quà” và “văn hóa nhận quà”. Người Việt Nam có tục cẩn thận trong mọi hành động, ứng xử vào ngày Tết vì nó mang lại điều tốt lành hoặc bị “rông” suốt cả năm. Tết “wờ-tô” này ta nói chuyện tặng quà, vì người xưa có câu: “Cách cho hơn của đem cho”. Câu này có ở phương Đông và ở phương Tây, tức là ở cả trong các nước “wờ-tô”.

Giỏ quà biếu Tết tràn ngập thị trường


Giỏ quà biếu Tết giá 80.000đ được bày bán tại Big C.

“Chiêu” của các đại gia

Không chỉ cố định ở công thức: Giỏ quà tết = một chai rượu ngoại + một bao thuốc lá + một hộp trà + gói bánh + kẹo như những năm trước, giỏ quà biếu tết Nguyên đán Đinh Hơi 2007 đa dạng và đổi mới hơn. Các đại gia như: Big C, Metro, FiviMart… đều tung ra thị trường những “chiêu” mới, mỗi một siêu thị đều có điểm nhấn riêng, mà mục đích chính là nhằm thu hút khách hàng.

Bước chân lên khu vực tầng 2 của Siêu thị Big C, đập vào mắt người tiêu dùng ngay từ cổng vào là những giỏ quà sặc sỡ màu sắc và nhiều chủng loại được bày chồng chất lên nhau, nhưng cũng không làm mất cái đặc trưng của những món quà tặng với những cái tên gọi mĩ miều như: Giỏ quà Tân Xuân, giỏ quà Mai vàng sắc Xuân, giỏ quà Hạnh phúc, giỏ quà Phát lộc - Phát tài…Thu hút khách hàng hơn cả là những giỏ quà tặng bình dân có giá chỉ 80.000 đồng gồm: một chai nước ngọt, một gói bánh quy, một gói kẹo, một hộp ô mai và một hộp cà phê.

Theo Ban giám đốc của Big C, dự kiến nhu cầu tết của người dân Thủ đô sẽ tăng cao thêm từ 20-30% nhu cầu ngày thường, Big C đã tăng cường kho lưu động, nhằm tránh tình trạng thiếu hàng khi nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến. Bic C cũng cam kết sẽ không tự ý tăng giá các mặt hàng, trừ khi nhà sản xuất tăng giá.

“Điểm nhấn của các mặt hàng phục vụ nhu cầu sắm tết của Bic C trong thời điểm hiện nay là các giỏ quà tặng. Không chỉ chú trọng tới các món quà đắt tiền, chúng tôi tung ra thị trường những giỏ quà 80.000 đồng/giỏ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và túi tiền của khách hàng có thu nhập bình dân”- chị Nguyễn Thanh Huyền (Thư kí Ban giám đốc Big C) cho biết.

Anh Hoàng, một khách hàng bày tỏ: “Tôi đang đi học, mọi thứ vẫn phụ thuộc vào sự chu cấp của gia đình, vậy nên những giỏ quà như thế này khá phù hợp với chúng tôi. Quà tết năm nào cũng phải tặng, tôi đã từng phải nhọc lòng suy nghĩ và đắn đo khi lựa chọn các món quà, nhưng với giỏ quà 80.000 đồng như thế này, tôi khá hài lòng”.

Nếu Big hướng đến nhu cầu của các đối tượng có thu nhập thấp, thì Metro dường như lại tập trung vào các đối tượng có thu nhập cao và những đơn hàng lớn. Với hơn 40 loại giỏ quà tặng, các món quà tại Metro đã bứt phá ra khỏi những khuôn khổ của một giỏ quà tết thường có mà tập trung vào các món quà có tính năng sử dụng lâu dài như gấu bông, chén bát, xoong nồi, lò vi sóng, máy xay sinh tố… trị giá của mỗi giỏ quà dao động từ 98.000 đồng/giỏ - trên 1.300.000 đồng/giỏ.

Một nhân viên phục vụ quầy hàng giỏ quà tặng cho hay: “Với những mẫu mã phong phú và giá cả cạnh tranh của Metro, chúng tôi tự tin các món quà tặng tết này sẽ được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Những khách hàng đến mua quà tặng trên 10 triệu đồng sẽ được nhân viên Metro giao hàng đến tận nhà”.

Hàng “chợ” ế ẩm

Chẳng biết ai đã nghĩ ra được cách kết hợp những món quà tặng đựng trong những cái giỏ kia, nhưng với sự tiện lợi và đẹp mắt, giỏ quà tặng đã không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người khi tết đến, xuân về. Giỏ quà biết Tết tràn ngập trong các siêu thị, các trung tâm mua sắm, tràn ra cả các con đường, ngõ phố chuyên buôn bán bánh mức kẹo như: Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hàng Buồm, Hàng Da…

Tuy nhiên, trái ngược với cảnh sắm tết náo nhiệt tại các siêu thị, những gian hàng bánh kẹo ngoài thị trường lại vắng vẻ người mua. Đoạn phố Hai Bà Trưng, nơi ngã rẽ từ Phan Bội Châu xuống, chỉ trong vòng vài chục mét đã có tới 4-5 cửa hàng bày bán bánh kẹo, rượu bia, nhưng ít thấy bóng dáng của khách hàng, chủ cửa hàng ngồi túm tụm buôn chuyện cùng nhau.

Vào chiều tối ngày 11/1, phóng viên Dân trí đã qua đây. Chưa kịp dựng chân chống xe, 3 đến 4 gã trông xe đã nhào tới, kẻ níu tay lái, kẻ đỡ túi, chủ cửa hàng thì niềm nở, tươi cuời nhằm níu lôi kéo khách hàng vào gian hàng của mình. Nhưng nụ cười trên môi bà chủ cửa hàng chưa kịp “nở” trọn vẹn đã vội tắt ngúm, thay vào đó là gương mặt lạnh lẽo khi biết chúng tôi đi khảo sát thị trường.

Bà chủ cửa hàng H.A xua tay: “ Các em làm ơn đừng chụp ảnh, gian hàng của chị thưa thớt, chụp làm gì cho tốn pin, vào các siêu thị mà chụp cho đẹp. Từ sớm đến giờ chưa bán được giỏ nào đâu, lắm chuyện quá. Đi nhanh cho chị còn bán hàng, định đứng đây làm người mẫu à?...”.

Dạo qua những gian hàng bánh kẹo trên phố Hàng Buồm, khung cảnh cũng gần tương tự. Các mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết đã được bày ra la liệt, nhưng các “thượng đế” gần như chưa thấy đâu. Chị Hương, một chủ cửa hàng buồn bã nói: “Mọi năm đến thời điểm này, cửa hàng chúng tôi đã khá đông khách, nhưng năm nay ế ẩm quá, những thông tin về hàng nhái, hàng giả đã khiến cho người tiêu dùng quay lưng lại với chúng tôi. Có vẻ như người dân chuộng hàng siêu thị hơn, mặc dù chất lượng và giá cả của chúng tôi cũng cạnh tranh đâu kém”…

Nguyễn Hiền - Lan Hương